Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống. Do là bệnh truyền nhiễm, thường xảy ra vào mùa đông - xuân; vì vậy, việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng.
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng dễ nhận biết là tuyến nước bọt mang tai hoặc dưới hàm hai bên to ra, có khi làm biến dạng mặt, mặt phình ra, cổ bạnh, cằm sệ.
Da vùng tuyến mang tai bị sưng căng, bóng, sờ nóng đau và không đỏ, ấn không lõm (đối với viêm tuyến nước bọt do virut), và đỏ, ấn lõm (đối với viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn).
Nước bọt ít, quánh.
Lỗ ống Stenon viêm đỏ, hoặc có mủ chảy ra khi vuốt dọc ống tuyến (trong trường hợp nguyên nhân là vi khuẩn).
Sưng hạch góc hàm
Các triệu chứng khác: đau họng, đau hàm khi há miệng, khi nhai, nuốt, đau lan ra tai. Toàn thân có thể sốt, đau đầu, người mệt mỏi.
Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày. Tuy nhiên có khoảng 25% người bị nhiễm virut quai bị mà không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết. Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững khi đã mắc bệnh dù sưng 1 hay 2 bên tuyến mang tai nên ít khi bị quai bị lần 2.
20-35% người mắc bệnh quai bị sau tuổi dậy thì bị biến chứng viêm mào tinh hoàn, có thể dẫn đến vô sinh ở nam giới.
Các biến chứng thường gặp
Bệnh quai bị ở người lớn tuy ít gặp, nhưng thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Có thể gặp các biến chứng sau:
Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: Biến chứng này có tỷ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.
Nhồi máu phổi: Là tình trạng một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, có thể tiến đến hoại tử mô phổi. Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến.
Viêm buồng trứng: Có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh .
Viêm tụy: Có tỷ lệ 3-7%, là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp.
Các tổn thương thần kinh: Viêm não có tỷ lệ 0,5%, bệnh nhân có các hiện tượng như: thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy. Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.
Bệnh quai bị ở phụ nữ có thai: Những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
Một số biến chứng khác: Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu. Vì viêm tuyến mang tai còn có thể gây ra do các virut khác (Coxackie, Influenza), do vi khuẩn (Staphylococcus aureus), do tắc ống dẫn tuyến nước bọt vì sỏi và viêm tinh hoàn còn có thể do lao, Leptospirose, lậu nên trong một số trường hợp khó chẩn đoán, bệnh nhân cần thực hiện một số xét nghiệm như: phân lập virut từ máu dịch họng, dịch tiết từ ống Stenon, nước tiểu hay dịch não tủy. Các phản ứng huyết thanh học: test ELISA, miễn dịch huỳnh quang, trung hòa bổ thể.
Cách ly bệnh nhân để tránh lây lan
Đối với mọi bệnh nhân: Cách ly bệnh nhân 2 tuần kể từ lúc phát hiện bệnh, vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn: mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, nghỉ ngơi là chủ yếu, hạn chế vận động. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc cụ thể.
Vắc-xin phòng bệnh quai bị có tác dụng kích thích cho trẻ em sản sinh kháng thể kháng quai bị, kháng thể đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm chủng 6 -7 tuần. Số lần tiêm: Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi: tiêm 3 lần, lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 khi trẻ từ 4-12 tuổi. Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi: tiêm 2 lần, lần 1 lúc 12 tháng tuổi, lần 2 từ 4-12 tuổi. Tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng chưa có tiền sử mắc quai bị và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị. Trong trường hợp không có chống chỉ định, vắc-xin cần được tiêm không muộn hơn 72 giờ kể từ khi có tiếp xúc với bệnh nhân.
Phòng bệnh quai bị thụ động với globulin miễn dịch, dùng cho người tiếp xúc với virut quai bị mà chưa được tiêm vắc-xin trước đó.
BS. Quang Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét